Ngày 15/11, bệnh nhân T.V, 64 tuổi, đến từ tỉnh Đắk Lắk, nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, sụt cân 5 kg, mệt mỏi và ăn uống kém kéo dài trong 15 ngày. Bệnh nhân còn gặp khó khăn trong vận động và không tự chủ được trong việc tiểu tiện. Trước đó, bệnh nhân đã được điều trị tại một cơ sở y tế địa phương trong 10 ngày nhưng tình trạng vẫn không cải thiện.
Ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng nhưng không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, khi tình trạng không cải thiện, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc u phổi ác tính và quyết định chuyển bệnh nhân đến TP. Hồ Chí Minh để tiếp tục điều trị.

X-quang phổi bệnh nhân trước và sau điều trị
Tại Bệnh viện 30-4, sau khi đánh giá hồ sơ bệnh án và kết quả lâm sàng ban đầu, các bác sĩ Khoa Nhiễm đã nghi ngờ một nguyên nhân khác và quyết định thực hiện các xét nghiệm vi sinh như cấy máu, cấy nước tiểu, kháng sinh đồ, chụp CT ngực để tầm soát u phổi và nội soi phế quản. Kết quả xét nghiệm xác định bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết từ áp xe phổi, viêm phổi do Burkholderia pseudomallei (Melioidosis), một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, đặc biệt trên nền bệnh đái tháo đường.
Theo các nghiên cứu y khoa, Burkholderia pseudomallei là tác nhân gây ra bệnh Whitmore, có thể dẫn đến viêm phổi nặng và nhiễm trùng huyết. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ tiến triển thành sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, với tỷ lệ tử vong rất cao.
Sau khi xác định chính xác tác nhân gây bệnh, các bác sĩ đã điều chỉnh phác đồ điều trị, sử dụng các loại kháng sinh phù hợp như Imipenem và Cotrimoxazol, giúp tình trạng bệnh nhân nhanh chóng cải thiện. Sau một thời gian điều trị, bệnh nhân đã ổn định và được chuyển sang giai đoạn duy trì với thuốc uống, đồng thời kiểm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp và đường huyết.

Người nhà bệnh nhân chia sẻ niềm vui khi người thân của mình thoát khỏi ải "tử thần"
Ca bệnh này đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc xác định chính xác tác nhân gây bệnh trong điều trị lâm sàng. Việc xét nghiệm vi sinh giúp các bác sĩ chọn phác đồ điều trị phù hợp, tránh tình trạng điều trị sai, từ đó giảm thiểu nguy cơ sốc nhiễm trùng và tử vong. Sự can thiệp kịp thời và áp dụng đúng phác đồ kháng sinh đã cứu sống bệnh nhân và giúp bệnh nhân hồi phục.
Phan Đức
Tin khác đã đăng
- BỆNH VIỆN 30-4 VÀ BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI: “BẮT TAY” VÌ CHẤT LƯỢNG ĐIỀU TRỊ VƯỢT TRỘI 23/05/2025
- BỆNH VIỆN 30-4 HOÀN THÀNH THẮNG LỢI ĐỢT KHÁM SỨC KHỎE ĐỊNH KỲ CHO CÁN BỘ CẤP CAO BỘ CÔNG AN (19/5 - 23/5) 23/05/2025
- BỆNH VIỆN 30-4 VÀ CHUYÊN GIA Y TẾ NHẬT BẢN THÚC ĐẨY HỢP TÁC TOÀN DIỆN TRONG CHĂM SÓC NGƯỜI CAO TUỔI 20/05/2025
- BỆNH VIỆN 30-4 TỔ CHỨC KHÁM SỨC KHỎE ĐỊNH KỲ CHO CÁN BỘ CẤP CAO BỘ CÔNG AN 19/05/2025
- TỪ PHÒNG LAB ĐẾN LÒNG ĐẤT MẸ: CHUYÊN GIA Y TẾ CUBA XÚC ĐỘNG TRƯỚC DI TÍCH ĐỊA ĐẠO CỦ CHI 17/05/2025